Khoảnh khắc chiến tranh
Đoàn Công
Tính (SN 1943, phóng viên Báo Quân đội Nhân dân) - phóng viên ảnh chiến
tranh xuất sắc của VN với hàng loạt bức ảnh ghi lại những năm chiến
tranh khốc liệt nhất, từ 1970 - 1972, trên các mặt trận Quảng Trị, Thừa
Thiên, với một lối chụp phóng sự mang tính báo chí mạnh mẽ, rất ấn tượng
trong tạo hình. Bộ đội, đồng nghiệp gọi ông là "vua chiến trường".
Ở triển
lãm lần này, người xem thích thú với những tác phẩm như “Trinh sát miền
Bắc VN tìm lối đi giữa thác ghềnh cho các đơn vị xe vận tải tiếp tế vũ
khí, lương thực năm 1970”, “Đợt tấn công cuối cùng trước khi chiếm căn
cứ Đầu Mầu, Quảng Trị”, “Cầu Hàm Rồng - Thanh Hóa bị máy bay B52 phá
hủy”. Đoàn Công Tính bị thương vào năm 1973, phải tạm rời vũ khí chính
là chiếc máy ảnh trong tay. Ông có lần tâm sự, " khi thực hiện phóng sự
ảnh chiến tranh: "Khu rừng yên tĩnh bị lay chuyển bởi các đơn vị bộ binh
và pháo binh di chuyển dọc đường mòn Hồ Chí Minh số 9", tôi đã theo họ,
trên vai đeo một khẩu súng AK 47, hai máy ảnh và một balô đầy phim,
trái tim đầy nhiệt huyết và lo lắng. Người Mỹ rải thảm bom xuống chúng
tôi, rồi lại thả truyền đơn kêu gọi gia nhập hàng ngũ của họ, hứa hẹn
cuộc sống xa hoa. Tôi đã sững sờ khi thấy sự tương phản giữa các hố bom
đen ngòm và những tờ truyền đơn trắng ngập bàn chân những chiến sĩ của
chúng tôi. Khi đó tôi mới thấy rõ sức mạnh của hình ảnh...".
Một cái
tên quen thuộc khác, Mai Nam sinh năm 1931 , phóng viên Báo Tiền Phong,
sau đó là Báo Tuổi Trẻ. Ông có nhiều tác phẩm ảnh báo chí ấn tượng về
chiến tranh chống Mỹ in thành sách ảnh cá nhân "Một thời hào hùng". Có
lẽ tấm ảnh trong triển lãm lần này - về cô du kích 19 tuổi, Nguyễn Thị
Hiền là tác phẩm tiêu biểu nhất về phong cách chụp ảnh chiến tranh của
một nhà báo mang tố chất nghệ sĩ. Nguyễn Thị Hiền, phụ trách một nhóm
sáu cô gái tải lương thực cho bộ đội bảo vệ cầu Hàm Rồng chống lại máy
bay ném bom Mỹ, đã thoát hơn 380 cuộc không kích, đã bị chôn sống bốn
lần trong những đợt bom nổ, cùng với đồng đội của mình, đã nhiều lần vác
súng thay những người lính hy sinh.
Trong ảnh
Mai Nam, Hiền có vẻ đẹp khỏe khoắn rất gợi cảm, với dáng lưng ong, vai
đeo súng, - một sự tương phản kỳ thú gợi đến câu “Giặc đến nhà đàn bà
cũng đánh”.
Chu Chí
Thành (SN 1944), nhà nhiếp ảnh vinh dự giành Giải thưởng Nhà nước về Văn
học Nghệ thuật (lĩnh vực nhiếp ảnh), đã dành phần lớn tuổi trẻ của mình
trên chiến trường để đưa tin sự kiện. Từ năm 1968 - 1969, ông hai lần
có mặt ở tuyến lửa Vĩnh Linh ghi lại hình ảnh bom đạn Mỹ đánh phá ác
liệt. Tấm ảnh lão dân quân Trần Văn Ong (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng
Bình) bắn hạ máy bay F4H năm 1967 rất ấn tượng…
Và cuối
cùng, Hứa Kiểm (SN 1938, gia nhập quân đội vào năm 1953, đã chiến đấu ở
Thượng Lào). Năm 1964, ngay sau sự kiện Vịnh Bắc Bộ và sau một khóa đào
tạo cấp tốc nghề báo, Hứa Kiểm quay lại mặt trận với chiếc máy ảnh trong
tay ghi lại những khoảnh khắc đắt giá của chiến tranh. Trong đó có
những hình ảnh đáng nhớ trong ngày 30.4.1975 khi nhân dân chào đón quân
giải phóng tiến vào…
Và phía sau hình ảnh…
So với
các phóng viên chiến tranh nước ngoài, phóng viên VN có nhiều bất lợi:
Máy móc phương tiện, thậm chí việc bảo quản phim bằng gạo rang; nhiều
nhà nhiếp ảnh và hơn thế nhiều nhà quay phim tài liệu VN đã dùng cách
thủ công này. Họ được cô gái trẻ Claude Grunsan (Pháp) mất ròng rã 6 năm
trời để làm bộ phim có tên “Gạo rang” (Hãng phim Les film d’’lci (Pháp)
và Saga Film (Bỉ) sản xuất). Việc trang bị những kỹ năng tránh bom đạn
của một phóng viên chiến tranh đã không được cập nhật cho phóng viên VN;
rồi cả chế độ bảo hiểm tính mạng...
Nhưng bất
chấp những bất lợi đó, các phóng viên chiến trường VN vẫn có những bức
ảnh xuất sắc, giành được sự tôn trọng của các phóng viên ngoại quốc.
Và, một
điều nuối tiếc chung của các nhà nhiếp ảnh chiến tranh VN, là do bối
cảnh thời bấy giờ, ảnh mang tính tuyên truyền nhiều hơn nên hình ảnh
khốc liệt mặt trái của cuộc chiến đã không được thu vào ống kính. Hình
ảnh hy sinh của đồng đội, máu và xương, những chi tiết thảm khốc có sức
tố cáo chiến tranh mãnh liệt nhiều khi đã bị bỏ đi...