Tiểu sử Lương Thế Vinh - Vị Trạng Nguyên đa tài
Trạng
nguyên Lương Thế Vinh, tự là Cảnh Nghị, hiệu là Thụy Hiên, sinh ngày 1
tháng 8 năm Tân Dậu (1441) trong một gia đình nông dân có học ở làng Cao
Hương, huyện Thiên Bản, nay là thôn Cao Phương, xã Liên Bảo, huyện Vụ
Bản, tỉnh Nam Định.
Thời niên thiếu, Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là
thần đồng, thông minh, nhanh trí. Lớn lên, Lương Thế Vinh càng học giỏi,
học có phương pháp, kết hợp học với lao động, vui chơi giải trí.
Chưa
đầy hai mươi tuổi, tài học của Lương Thế Vinh đã nổi tiếng khắp vùng
Sơn Nam. Năm 23 tuổi, đời vua Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ tư
(1463), Lương Thế Vinh đỗ trạng nguyên khoa Quý Mùi.
Cuộc đời 32 năm
làm quan, Lương Thế Vinh đều ở Viện hàn lâm, trải thăng đến chức Hàn lâm
Thị thư chưởng Hàn lâm viện sự, đứng đầu Viện hàn lâm.
Ông có biệt
tài về ngoại giao, được nhà vua tin yêu, giao trọng trách soạn thảo văn
từ bang giao và đón tiếp sứ thần nước ngoài.
Trạng nguyên Lương
Thế Vinh còn dạy học ở Quốc tử giám, Sùng văn quán và Tú lâm cục là
những trường cao cấp thời bấy giờ đào tạo nhân tài cho đất nước về văn
chương và toán học.
Học trò của ông có nhiều người đỗ đạt cao như
Nguyễn Tất Đại (người làng Kha Lý, xã Thụy Quỳnh, Thái Thụy, Thái Bình),
đỗ tiến sĩ năm 1469; Lương Đắc Bằng (làng Hội Triều, nay thuộc Hoằng
Phong, Hoằng Hóa, Thanh Hóa), đỗ bảng nhãn năm 1499.
Lương Thế Vinh
không những dạy toán học ở Tú lâm cục, ông còn giữ chức Cấp sự trung
khoa công, chuyên khảo sát việc tạo tác các công trình như cung điện,
đền đài, thành quách, đường sá, đê điều... cần đến toán học.
Ông đã
biên soạn cuốn Đại thành toán pháp để tiện dùng, đó là cuốn sách giáo
khoa toán đầu tiên ở nước ta. Trong cuốn sách, ông đã tổng kết những
kiến thức toán thời đó và cả những phát minh của ông. Thời
Lương Thế Vinh, các công cụ tính toán thật là thô sơ nghèo nàn. Ở Việt
Nam lúc đó công cụ tính toán chủ yếu vẫn là hai bàn tay bằng cách “bấm
đốt ngón tay”. Khi đó người ta còn dùng một sợi dây với những nút thắt
làm công cụ đếm (thắt nút, cởi nút)...
Sau nhiều ngày đêm suy nghĩ,
Lương Thế Vinh sáng chế ra một công cụ tính toán lợi hơn. Cuối cùng ông
đã sáng chế ra bàn tính gẩy - chiếc bàn tính đầu tiên của Việt Nam. Lúc
đầu ông nặn những hòn bi bằng đất có khoan lỗ ở giữa, xâu vào một cái
đũi, các xâu buộc cạnh nhau thành một bàn tính ông cải tiến dần những
“viên tính” bằng đất thành những đốt trúc ngắn, rồi những viên tính bằng
gỗ sơn màu khác nhau để dễ tính, dễ nhớ.
Lương Thế Vinh am hiểu sâu
sắc về âm nhạc và hát chèo. Ông đã cùng Thân Nhân Trung và Đỗ Nhuận soạn
hai bộ Đồng văn và Nhã nhạc dùng trong quốc lễ và triều hội. Ông nghiên
cứu hàng trăm phường chèo, biên soạn cuốn Hý phường phả lục ghi lại các
khoán ước của phường chèo, kịch bản và diễn xuất, cách đánh trống chèo,
phương pháp múa và hát.
Về văn thơ, Lương Thế Vinh cũng có nhiều
đóng góp. Ông giữ chức Sái phu trong hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh
Tông, là người chuyên phê bình, sửa chữa thơ trong hội, nhiều lần đã
ngâm họa với vua Lê như bài Tướng sĩ nhớ nhà và bài Động Lục Vân.
Lương
Thế Vinh là người trọng thực học, thích mở mang kinh tế. Ông đã dạy dân
làng Hương làm nghề thuốc bắc, thuốc nam chữa bệnh cứu người, khuyến
khích mở nhiều chợ búa để dân mua bán, trao đổi hàng hóa.
Yêu nước,
thương dân, ông luôn muốn cho đất nước thanh bình, dân ấm no, triều đình
và dân cùng lo việc nước. Với suy nghĩ như vậy, nên đoạn văn sách thi
Đình nổi tiếng đó, Lương Thế Vinh khuyên nhà vua ra sức kén chọn người
hiền tài, đặt quan chức để “vì dân mà làm việc”, khuyên nhà vua và triều
đình phải “đồng tâm nhất thể”.
Cuối đời trạng nguyên Lương Thế Vinh
về trí sĩ tại quê nhà. Ông về hưu thực ra không phải vì ốm yếu, mà ông
muốn rảnh rỗi trở về sống yên tĩnh ở quê hương, làm thêm việc gì có ích
trước khi xuôi tay, nhắm mắt.
Nhân dân Cao Hương yêu mến Lương Thế
Vinh. Nhưng yêu hơn vẫn là đám học trò đã và đang học Lương Thế Vinh. Cứ
đến mùa sen nở, ông lại một lần tiễn học trò mình đi thi. Học trò Sơn
Nam đến theo học ông ngày càng đông và không ít người đã thành đạt.
Rút
từ bài học bản thân mình, Lương Thế Vinh rèn cho học trò một cách học
thông minh. Khi học ra học, khi chơi ra chơi, không học ngày học đêm
theo cách sôi kinh nấu sử.
Tuổi ngày càng cao, nhưng cũng như thú vui
thả diều, hàng ngày Lương Thế Vinh thường la cà quán nước, nhất là quán
cây đa cổ thụ có bóng râm mát cả một vùng rộng ở làng bên. Ở nơi đây
ông có thể nghe được nhiều điều hay dở để răn dạy học trò, răn dạy người
đời và cũng để sửa mình nữa.
Ông rất yêu con trẻ, thường bày cho
chúng những trò chơi vui nhộn và bổ ích. Thấy trẻ rất thích nặn con rối,
ông đã nghĩ ra cách chơi rối nước.
Trò chơi này thật vui, thật hấp
dẫn. Người các nơi tìm đến học để phổ biến ở quê mình. Từ đó múa rối
nước trở thành một loại nghệ thuật sân khấu đặc sắc trong nhân dân,
truyền mãi đến ngày nay.
Trạng nguyên Lương Thế Vinh mất tại quê nhà ngày 26/8 năm Bính Thìn (1496), thọ 55 tuổi.
Nhà
bác học Lê Quý Đôn (thế kỷ XVIII) đã hết lời ca ngợi Lương Thế Vinh,
đánh giá ông là con người có tài kinh bang tế thế, một con người “tài
hoa danh vọng vượt bậc”.
Hình ảnh trạng nguyên Lương Thế Vinh còn
sống mãi trong tâm thức mọi người bằng truyền thuyết và giai thoại về
cuộc đời, sự nghiệp, tài đức và lòng yêu nước, yêu dân của ông.
Nhân
dân làng Cao Hương đã quý mến giữ gìn phần mộ của ông tại khu Mả Trạng.
Đền thờ trạng nguyên Lương Thế Vinh được xây dựng trên nền nhà cũ tại
Giáp Nhất, làng Cao Hương./
Một số câu chuyện về ông Lương Thế Vinh
Chú bé láu lỉnh
Trạng
nguyên Lương Thế Vinh người làng Cao Hương, huyện Thiên Bản (nay thuộc
Nam Định) thuở còn nhỏ đã tỏ ra hài hước, hóm hỉnh và khôn ngoan. Có
lần, người bố là Lương Thế Thiện đi vắng, chủ nợ đến đòi tiền, thấy cậu
bé Vinh đang chơi trò nặn đất ở sân, liền hỏi:
- Bố mẹ đi đâu?
Vinh làm thinh không trả lời. Chủ nợ hỏi lại, cậu mới đáp:
- Bố, mẹ tôi đã đi khắc có việc, ông hỏi làm gì?
Chủ nợ cứ gặng hỏi đi đâu, bao giờ về... Cuối cùng, Vinh mới trả lời, giọng tỉnh khô:
- Bố tôi đi giết một người sống. Mẹ tôi đi cứu một người chết.
Chủ nợ ngơ ngác, không hiểu đầu đuôi thế nào, nên cứ hỏi mãi. Thấy Vinh im lặng, chủ nợ dỗ:
- Nếu mày nói thật, ta sẽ trừ cho khoản nợ trước kia bố mẹ mày vay.
Bấy giờ Vinh mới vui vẻ đáp:
- Nếu vậy thì ông in ngón tay vào bánh đất này để làm bằng.
Người chủ nợ vì tò mò muốn biết, nên cũng thử chiều ý cậu bé xem sao.
Lúc ấy Vinh mới vừa mỉm cười, vừa nói:
- Bố tôi đi nhổ mạ. Mẹ tôi đi cấy lúa! (1)
Lúc này chủ nợ mới vỡ lẽ, trong lòng thầm thán phục Lương Thế Vinh là đứa trẻ khôn ngoan.
Ngày hôm sau chủ nợ lại đến đòi. Bố mẹ Vinh chưa biết nói sao, thì Vinh đã giơ đồ chơi bằng đất cho mọi người xem và nói:
- Hôm qua ông đã hứa xoá nợ cho nhà tôi rồi kia mà? Dấu tay ông in còn đây này?
Người chủ nợ giật mình, nói với ông Thiện:
-
Tôi mừng cho ông bà có cháu bé rất thông minh. Tôi xin biếu khoản nợ để
gia đình lo cho cháu học sớm, sau này chắc thế nào cũng chiếm được khôi
nguyên.
Từ đó cậu bé Lương Thế Vinh đã nổi tiếng là “Thần đồng làng Hương”.
Trạng Lường
Lương
Thế Vinh vẫn được người đời quen gọi là Trạng Lường. Lí do là vì ngay
từ nhỏ, ông đã tỏ ra rất giỏi trong việc đo lường. Khi đỗ đạt ra làm
việc quan, ông đã viết cuốn sách nhan đề “Đại thành toán pháp” (2) nhằm
tổng kết kiến thức tính toán của thời đó và cả những phát minh của chính
bản thân ông. Lương Thế Vinh đã viết đề tựa, nêu mục đích của cuốn sách
như sau:
“ Trước thời cho biết cách đo lường
Tính toán bình phân ở cửu chương
Thông hay mọi nhẽ điều vinh hiển
Học lấy cho tinh giúp thánh vương!”
Tương
truyền rằng thuở còn nhỏ, một lần Lương Thế Vinh cùng chúng bạn ngồi
hóng mát dưới một gốc cây cổ thụ. Cả bọn thách đố nhau làm thế nào để
biết được cây cao - thấp. Một số cho rằng chỉ có cách là trèo lên ngọn
cây, rồi dùng dây thòng xuống đất mà đo. Riêng Lương Thế Vinh cho rằng
không cần trèo, đứng dưới đất vẫn có thể đo được. Cậu lấy chiếc gậy cầm ở
tay đo xem dài ngắn bao nhiêu, đoạn dựng gậy lên mặt đất và đo chiều
dài bóng gậy. Tiếp đến cậu đo bóng cây và sau một lát nhẩm tính, cậu đã
tìm được chiều cao của cây. Bọn trẻ không tin bèn dùng thừng nối lại,
buộc hòn đá phía dưới, rồi trèo lên tít ngọn cây dong thừng xuống đất để
đo. Kết quả, đúng như Vinh đã tính.
Ngày nay, cách tính chiều
cao của cây mà Lương Thế Vinh đã áp dụng, chắc chắn các bạn học sinh
chúng ta không lấy gì làm lạ. Nhưng cách đây gần 5 thế kỉ, khi ở châu Âu
số người hiểu được định lí Pitago về cạnh tam giác vuông a2 + b2 =
c2 chỉ mới đếm trên đầu ngón tay, thì việc Lương Thế Vinh tìm ra được tỉ
lệ chiều cao của cây và chiều cao của chiếc gậy bằng tỉ lệ bóng của
chúng trên mặt đất, là một sáng tạo, thể hiện nước ta ở thế kỉ XV đã có
nhà toán học đầy tài năng.
Khi đến tuổi trưởng thành, có lần
Lương Thế Vinh đến một khúc sông, thấy mấy người đang bàn tính nhau tìm
cách đo chiều rộng của con sông để bắc cầu. Hôm đó nước sông rất to và
chảy xiết, nên không thể bơi qua. Lương Thế Vinh bèn góp ý:
- Không cần sang sông làm gì. Các ông tìm cho tôi mấy cái cọc, tôi sẽ đo giúp.
Lúc
đầu mấy người tưởng ông nói đùa, không tin. Nhưng chỉ sau một lúc đóng
cọc, ngắm nghía và tính toán, ông đã cho họ biết khúc sông rộng bao
nhiêu thước. Thì ra từ thời đó, Lương Thế Vinh đã biết đến kiến thức về
tam giác đồng dạng...
Lại một lần khác, đoàn sứ bộ nhà Minh sang
nước ta. Vua Lê Thánh Tông cử trạng nguyên Lương Thế Vinh đón tiếp.
Trưởng đoàn sứ Minh vốn nghe tiếng trạng nguyên Việt chẳng những nổi
tiếng văn chương, mà còn có trí thức uyên bác về khoa học, bèn hỏi:
- Có phải ông là người làm sách “Đại thành toán pháp”?Lương Thế Vinh tỏ vẻ khiêm tốn, đáp:
- Vâng, đúng vậy!
Nhân lúc đó có con voi đang kéo gỗ dưới sông lên, sứ Tàu bèn thách:
- Vậy quan trạng có thể cân xem con voi kia nặng bao nhiêu được không?
- Được ạ!
Dứt lời, Lương Thế Vinh lấy chiếc cân, xăm xăm đi ra phía sông để cân voi.
Sứ Tàu phì cười, nói:
- Xem chiếc cân quan trạng chỉ đủ cân được cái đuôi voi thôi!”
- Thì chia nhỏ voi ra nhiều phần để cân.
Lương Thế Vinh trả lời, tỉnh khô.
Vị chánh sứ Tàu lại châm chọc:
- Ông định mổ thịt voi chắc? Nhớ phần tôi miếng gan nhé!
Lương
Thế Vinh không trả lời. Ông sai lính dắt voi xuống chiếc thuyền bỏ
không buộc lên bờ. Voi nặng, thuyền đắm sâu xuống nước. Ông lại sai đánh
dấu mép nước bên mạn thuyền, rồi dắt voi lên. Đoạn ông ra lệnh cho quân
lính khuân đá bỏ vào thuyền, cho đến khi thuyền đắm ngang mực nước đã
đánh dấu thì thôi. Thế rồi trạng cho bắc cân cân hết số đá trong thuyền
và bảo với sứ Minh:
- Đây, con voi ông chỉ, nặng chừng này cân!
Viên
sứ Tàu tuy trong bụng đã phục lăn, nhưng bề ngoài vẫn làm vẻ chưa tin,
muốn thử tài trạng thêm, bèn xé một tờ giấy bản trong cuốn sách dày và
đưa cho trạng một chiếc thước, nhờ đo xem tờ giấy dày bao nhiêu.
Tình
huống đặt ra thật khó xử. Tờ giấy quá mỏng, mà các nấc chia trên thước
vừa lớn, lại không rõ. Nhưng với trí tuệ linh hoạt, Lương Thế Vinh đã
nghĩ ngay được cách đo. Ông mượn viên sứ Tàu quyển sách, lấy thước đo
chiều dày cả quyển, rồi chia cho số tờ và tìm ra đáp số, trước con mắt
thán phục của sứ bộ nhà Minh.
Câu chuyện về trái bưởi
Hôm
đó, cậu đem một trái bưởi ra bãi tha ma (chỗ bạn bè thả trâu) làm quả
bóng để các bạn cùng chơi. Bỗng quả bưởi lăn xuống một trong những cái
hố bên mép bãi người ta đào để ngăn trâu bò khỏi phá lúa. Cái hố rất hẹp
lại rất sâu không xuống mà cũng không với tay lấy lên được. Bọn trẻ
tưởng thế là mất đồ chơi. Nhưng Lương Thế Vinh nghĩ một lát, rồi mới hớn
hở rủ bạn đi mượn vài chiếc gầu giai đi múc nước đổ xuống hố. Bọn trẻ
không hiểu Vinh làm thế để làm gì. Nhưng lát sau thấy Vinh cúi xuống cầm
quả bưởi lên, chúng rất sửng sốt phục tài Vinh.
Từ đó trẻ con
trong làng truyền nhau rằng Lương Thế Vinh là thần, có một câu "thần
chú" hay lắm, có thể gọi được những vật vô tri như quả bưởi lại với
mình.
Thực ra thì Vinh trèo cây hái bưởi bên bờ ao, sẩy tay cậu
làm rơi quả bưởi xuống nước tưởng mất. Nhưng khi nhìn thấy bưởi nổi trên
mặt ao, Vinh đã lấy cành tre khều vào và đem ra bãi chơi. Lúc quả bưởi
lăn xuống hố, cậu đã chợt nhớ lại và nghĩ ra cách lấy nước đổ xuống cho
bưởi nổi lên. Vốn thích thơ ca, hò, vè nên trong khi cúi xuống chờ bưởi,
cậu vui miệng đọc lẩm nhẩm:
Bưởi ơi bưởi
Nghe tao gọi
Lên đi nào
Đừng quên lối
Đừng bỏ tao...
Và bọn trẻ cứ nghĩ rằng Vinh đọc "thần chú".
Phương pháp học của ông
Lương Thế Vinh là người biết kết hợp rất khéo giữa chơi và học, nên từ nhỏ Vinh học rất thoải mái và lại đạt kết quả cao.
Vinh
học đến đâu, hiểu đến đấy, học một mà biết mười. Khi đã ngồi học thì
tập trung tư tưởng rất cao, luôn muốn thực nghiệm những điều đã học vào
đời sống. Trong khi vui chơi như câu cá, thả diều, bẫy chim, Vinh luôn
kết hợp với việc học. Lúc thả diều, Vinh rung dây diều để tính toán, ước
lượng chiều dài, chiều cao. Khi câu cá, Vinh tìm hiểu đời sống các sinh
vật, ước tính đo lường chiều sâu ao hồ, chiều rộng sông ngòi... và kiểm
tra lại bằng thực nghiệm. Vinh nghĩ ra cách đo bóng cây mà suy ra chiều
dài của cây.
Người đời còn truyền lại câu chuyện sau đây:
Dạo đó,
Lương Thế Vinh và Quách Đình Bảo là hai người nổi tiếng vùng Sơn Nam
(Thái Bình- Nam Định bây giờ) về thông minh, học giỏi. Một hôm, sắp đến
kỳ thi, Lương Thế Vinh tìm sang làng Phúc Khê bên Sơn Nam hạ để thăm
Quách Đình Bảo, toan bàn chuyện cùng lên kinh ứng thí.
Đến làng,
Vinh ghé một quán nước nghỉ chân. Tại đây Vinh nghe người ta nói là
Quách Đình Bảo đang ngày đêm dùi mài kinh sử quên ngủ, quên ăn. Chắc
chắn kỳ này Bảo phải đứng đầu bảng vàng. Vinh cười nói:
- Kỳ thi đến
nơi mà còn chúi đầu vào quyển sách, cố tụng niệm thêm vài chữ. Vậy cũng
gọi là biết học ư? Ta có đến thăm cũng chẳng có gì để bàn bạc - Vinh nói
thế rồi bỏ ra về.
Quách Đình Bảo nghe được chuyện trên, gật gù:
- Người đó hẳn là Lương Thế Vinh, ta phải đi tìm mới được!
Thế
là Bảo chuẩn bị khăn gói, tìm đến Cao Hương thăm Vinh. Chắc mẩm đến nhà
sẽ gặp ngay Vinh đang đọc sách, nhưng Vinh đi vắng, người nhà bảo Vinh
đang chơi ngoài bãi.
Quách Đình Bảo ra bãi tìm, quả thấy Vinh đang
thả diều, chạy chơi cùng bạn bè, rất ung dung thư thái. Bảo phục lắm tự
nói với mình: "Người này khôi ngô tuấn tú, phong thái ung dung, ta có
học mấy cũng không thể theo kịp".
Quả nhiên sau đó, khoa Quý Mùi năm
Quang Thuận thứ tư, đời vua Lê Thánh Tông (1463) Lương Thế Vinh đỗ Trạng
nguyên (đỗ đầu), Quách Đình Bảo đỗ Thám hoa (đỗ thứ 3). Năm ấy Lương
Thế Vinh mới hai mươi hai tuổi.
Răn dạy các quan
Lương
Thế Vinh rất ghét những viên quan hống hách, hà hiếp nhân dân. Ông có
nhiều học trò giỏi đỗ cao, làm quan lớn. Với học trò nào ông cũng dạy về
lòng yêu dân, đức khiêm tốn. Có lần, một viên quan huyện hách dịch đã
bị ông cho một bài học, làm trò cười cho thiên hạ.
Bữa ấy, ông đi
thăm bạn bè, ngồi nghỉ chân ở quán nước bên đường. Bỗng thấy một đoàn
rước quan huyện đi qua. Dân trong vùng đều biết viên quan này thường hay
bắt người dọc đường khiêng cáng, bèn bảo nhau trốn chạy cả. Vì không
biết lệ đó nên ông cứ ung dung ngồi nghỉ đến khi tên lính hầu của quan
huyện bắt ra khiêng cáng.
Lương Thế Vinh khúm núm bước lại ghé vai
khiêng cáng. Khi cáng quan đi đến chỗ bùn lội, ông làm như vô tình trượt
chân văng cáng, hất quan huyện ngã chỏng gọng giữa vũng, áo, mũ, cân
đai bê bết bùn.
Quan huyện đỏ tím mặt mày vì giận, đang toan định đổ cơn thịnh nộ lên đầu kẻ hầu hạ mình thì trạng vẫy người đi đường, nói lớn:
- Bác gọi hộ anh học trò tôi là thám hoa Văn Cát ra khiêng hầu võng quan huyện thay thầy.
Quan huyện xanh xám mặt mày, cuống quýt quỳ mọp xuống bùn lạy như bổ củi, xin quan trạng tha tội cho.
Lương Thế Vinh nhẹ nhàng lấy lời răn dạy, từ đó viên quan huyện chừa thói hống hách với dân.
Một cách khen Vua
Lương
Thế Vinh thuở bé nghịch ngợm nổi tiếng. Ông hay tắm sông hồ thành thử
bơi lội rất giỏi. Lê Thánh Tông biết rõ chuyện ấy, nên một hôm đi chơi
thuyền có Lương Thế Vinh và các quan theo hầu, Vua liền giả vờ say rượu
ẩy Vinh rơi tòm xuống sông, rồi cứ cho tiếp tục chèo thuyền đi.
Không
ngờ Lương Thế Vinh rơi xuống, liền lặn một hơi đi thật xa, rồi đến một
chỗ vắng lên bờ ngồi núp vào một bụi rậm chẳng ai trông thấy. Lê Thánh
Tông chờ mãi không thấy Vinh trồi đầu lên, bấy giờ mới hoảng hồn, vội
cho quân lính nhảy xuống tìm vớt, nhưng tìm mãi cũng chẳng thấy đâu. Vua
hết sức ân hận vì lối chơi đùa quá quắt của mình, chỉ muốn khóc, thì tự
nhiên thấy Vinh từ dưới nước ngóc đầu lên lắc đầu cười ngất. Khi lên
thuyền rồi, Vinh vẫn còn cười. Thánh Tông ngạc nhiên hỏi mãi, cuối cùng
Vinh mới tâu:
"Thần ở dưới nước lâu là vì gặp phải một việc kỳ lạ và
thú vị. Thần gặp cụ Khuất Nguyên (*), cụ hỏi thần xuống làm gì?. Thần
thưa dối là thần chán đời muốn chết. Nghe qua, cụ Khuất Nguyên tròn xoe
mắt, mắng thần: "Mày là thằng điên!. Tao gặp Sở Hoài Vương và Khoảng
Tương Vương hôn quân vô đạo, mới dám bỏ nước bỏ dân trầm mình ở sông
Mịch La. Chứ mày đã gặp được bậc thánh quân minh đế, sao còn định vớ vẩn
cái gì?". Thế rồi cụ đá thần một cái, thần mới về đây!".
Lê Thánh Tông nghe xong biết là Lương Thế Vinh nịnh khéo mình, nhưng cũng rất hài lòng, thưởng cho Vinh rất nhiều vàng lụa.
Giải thích :
Khuất
Nguyên - nhà thơ nổi tiếng, một vị trung thần nước Sở - do can ngăn vua
Hoài Vương không được, đã uất ức ôm đá gieo mình xuống sông Mịch La tự
vẫn. Hôm ấy đúng ngày mồng Năm tháng Năm. Thương tiếc người trung nghĩa,
mỗi năm cứ đến ngày đó, dân Trung Quốc xưa làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc
bên ngoài (chủ ý khiến cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông
ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên.